
Bệnh Ecoli trên gà được biết đến là loại bệnh thường gặp nhất ở gà trong giai đoạn giao mùa hoặc thời tiết nồm ẩm. Ecoli có thể bắt gặp trên nhiều lứa tuổi khác nhau của đàn gà gây ra những thiệt hại kinh tế lớn cho người chăn nuôi. Để chủ động phòng chống bệnh Ecoli ở gà cùng theo dõi cách phòng và một số loại thuốc đặc trị Ecoli ở gà ngay trong nội dung bài viết dưới đây.
1. Nguyên nhân gây bệnh Ecoli trên gà
Bệnh Ecoli ở gà là loại bệnh do chủng vi khuẩn Ecoli ( Escherichia coli) gây ra có tính chất phức tạp và tỷ lệ tử vong cao.
Vi khuẩn Ecoli thường trú trong đường tiêu hoá và chúng có rất sẵn ở ngoài môi trường. Thông thường, bệnh dễ xảy ra nhất ở gà con và kế phát ngay sau bệnh CRD. Tỷ lệ bệnh và chết sẽ tuỳ vào khu vực lưu trú và điều kiện thời tiết. Vì vậy, bệnh được chia thành nhiều thể bệnh có tình trạng khác nhau. Vi khuẩn và độc tố gây nhiều bệnh nguy hiểm như viêm đường hô hấp, nhiễm trùng máu, viêm đường tiêu hoá, viêm khớp gây tổn thất to lớn cho ngành chăn nuôi gia cầm.
Con đường lây truyền của bệnh Ecoli
Tác nhân chính gây bệnh chính là phân của các loại gia cầm truyền bệnh lên trứng, điều này khiến gà con ngay sau khi ra đời đã bị mắc bệnh. Trong quá trình ấp trứng, công tác vệ sinh không được đảm bảo, máy ấp trứng cũng chính là nguồn gây bệnh kết hợp với nhiệt độ, độ ẩm của môi trường xung quanh không thích hợp.
Ngoài ra, bệnh Ecoli trên gà có thể lây qua buồng dẫn trứng của gà mẹ đã bị nhiễm bệnh trước đó. Môi trường xung quanh khu vực chăn nuôi và nguồn thức ăn không được kiểm định cũng là nguyên nhân khiến gà bị nhiễm bệnh.
2. Các triệu chứng điển hình của bệnh Ecoli
Do tính chất gây bệnh đặc trưng của khuẩn ecoli thường sẽ khiến bệnh biến thể rất đa dạng và sinh ra nhiều triệu chứng khác nhau. Khi khuẩn ecoli xâm nhập vào đường máu sẽ di chuyển tới các cơ quan nội tạng của gà như ruột, gan, túi khí.. cư trú và phát triển ở đó dẫn đến biến đổi bệnh lý.
Tương tự như một số bệnh truyền nhiễm khác, khi bệnh Ecoli trên gà thường có các biểu hiện chung như kém ăn hoặc bỏ ăn, xù lông, sã cánh, ít vận động và thường nhắm mắt….Ngoài ra, bệnh Ecoli sẽ có các triệu chứng điển hình khác như:
- Gà bị rối loạn đường tiêu hoá, sinh ra các triệu chứng tiêu chảy, phân có màu xanh trắng kèm theo chất nhày lẫn máu.
- Hô hấp khó khăn, thở khò khè, bị chảy nước mắt, nước mũi. Lúc này các vi khuẩn xâm nhập túi khí ảnh hưởng đến hô hấp.
- Vùng rốn bị viêm, sưng đỏ do nhiễm khuẩn từ gà mẹ qua trứng rồi đến phôi hoặc từ môi trường ngoài vào rốn
- Viêm khớp dẫn đến khớp sưng to, khó khăn trong việc đi lại.
- Gà mái bị giảm đẻ, hoặc chết đột ngột trong giai đoạn đẻ cao, trứng có thể có máu
3. Bệnh tích
Tiêu chảy: Đường ruột bị nhạt màu, phồng rộp. Phần manh tràng bị sưng phù và xuất hiện nhiều dịch có bọt.
Viêm dịch hoàn: Viêm dịch hoàn xuất hiện ở gà trống do đã nhiễm Ecoli khi giao phối với gà mái nhiễm bệnh trước đó. Khi mổ sẽ thấy dịch hoàn bị sưng to, cứng, có hình dạng thay đổi thất thường, viêm nhiễm dẫn đến hoại tử.
Thể bại huyết: Bệnh tích chỉ xuất hiện khi gà đã bị nhiễm ecoli từ 3 – 4 ngày trở đi. Các cơ quan màng tim, gan sẽ bị viêm dính vào tim gan. Ở ruột có màu sắc trắng đục.
Thể viêm da: Thể này thường xuất hiện trên gà lấy thịt, tập trung ở hốc mắt hoặc những mô liên kết xung quanh đầu. Biểu hiện bên ngoài là viêm kết mạc mắt, viêm xoang khiến vùng đầu của gà nhiễm bệnh sưng to , bệnh tích là viêm khớp và manh tràng bị sưng to
Thể viêm rốn: Bệnh tích thường thấy sau khi tiến hành mổ là viêm màng tim,lòng đỏ không tiêu khiến bụng phình to, cơ thể chậm phát triển, rốn hở và xuất hiện dịch trắng.
4. Các cách phòng và chữa bệnh Ecoli trên gà
Quy trình phòng bệnh
Công tác phòng bệnh trong chăn nuôi luôn phải ưu tiên hàng đầu. Nếu thực hiện quy trình phòng bệnh tốt, tỷ lệ gà nhiễm bệnh rất thấp và thuận lợi cho sinh trưởng phát triển. Một số các biện pháp phòng bệnh Ecloli dưới đây, bà con có thể tham khảo để áp dụng cho trang trại của mình.
- Thực hiện vệ sinh chuồng trại định kỳ, phun thuốc khử khuẩn khu vực chuồng nuôi và xung quanh để giảm hàm lượng vi khuẩn có trong môi trường.
- Bố trí chuồng trại luôn cao ráo, thoáng mát, thông khí nhằm tránh các khí độc phát sinh trong chăn nuôi như khí amoniac
- Thu nhặt trứng hàng ngày, không để trứng ở ngoài môi trường quá lâu, trứng sau khi đẻ cần được vệ sinh sát trùng để tránh các loại mầm bệnh.
- Tiêm phòng vacxin cho gà theo lứa tuổi và đúng lịch trình
- Cho gà sử dụng thêm một số các loại kháng sinh để tăng đề kháng như: Ampicillin, Chloramphennicol…
- Bổ sung thêm các loại vitamin và khoáng chất thiết yếu như vitamin C, vitamin B1, B2,B6, các chất điện giải và chế phẩm sinh học phù hợp để tăng sức đề kháng và khả năng phục hồi sau bệnh, giảm tỉ lệ chết trên đàn khi mắc bệnh Ecoli trên gà.
Cách chữa bệnh Ecloli ở gà
Bởi khuẩn Ecoli có tính chất gây bệnh khá giống với các bệnh thương hàn, bạch lỵ. Bởi vậy bà con có thể sử dụng một số các thuốc kháng sinh có thể đặc trị bệnh ecoli tốt như Consumix, Imequil, Colicopha, AntiColi B, Spectam, Ampicilin, Colicopha….
Ngoài ra, bà con có thể dùng thuốc tiêm cho gà loại Bencomicyn S, Biotex, Biocolistin là tốt nhất, bởi thuốc này không ảnh hưởng tới tỉ lệ đẻ trứng ở gà. Thuốc sử dụng cần nên sử dụng theo liều lượng và đúng liệu trình được chỉ định.
Trên đây là các thông tin chi tiết về bệnh Ecoli trên gà. Bà con nếu muốn có sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao thì đặc biệt cần quan tâm và thực hiện ngiêm túc các quy trình phòng bệnh thú y. Bệnh ecoli ở gà rất nguy hiểm nhưng cho dù là bệnh gì khác đi nữa, nếu bà con có đầy đủ kiến thức phòng chống thì các rủi ro trong chăn nuôi sẽ được giảm thiểu mức thấp nhất và đạt lợi nhuận cao.
Xem thêm: Đặc điểm giống gà Sao & Mô hình nuôi gà Sao thả vườn